Đái tháo đường là một bệnh lý nghiêm trọng với nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiểu rõ về các loại tiểu đường, nguyên nhân, và triệu chứng giúp chúng ta nhận diện sớm và điều trị kịp thời, từ đó ngăn ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, và theo dõi y tế thường xuyên là rất quan trọng để quản lý và kiểm soát bệnh tiểu đường. Cùng Y Dược Vĩnh Phúc tìm hiểu về căn bệnh gây ảm ảnh và ảnh hướng tới sức khoẻ này nhé.
Bệnh đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường, hay còn gọi là tiểu đường, là một tình trạng rối loạn chuyển hóa, đặc trưng bởi mức đường huyết trong máu luôn cao hơn mức bình thường. Điều này xảy ra do cơ thể không thể sản xuất đủ insulin, hoặc do đề kháng với insulin, hoặc cả hai.
Insulin là hormone quan trọng trong việc điều hòa đường huyết, và khi thiếu hụt hoặc hoạt động không hiệu quả, các chất bột đường từ thực phẩm không được chuyển hóa, kết quả là dẫn tới việc tích lượng đường trong máu cao.
Sự gia tăng này không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch mà còn gây tổn thương đến nhiều cơ quan khác như thần kinh, mắt, thận, và các bệnh lý nghiêm trọng khác.
Thông tin về tình trạng bệnh trên thế giới
Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF) đã cung cấp một số thống kê đáng chú ý về tình trạng bệnh tiểu đường trên toàn cầu:
- Mỗi năm, khoảng 132.600 trẻ em trên thế giới được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 1, và có hơn 1 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 0-19 bị ảnh hưởng bởi loại bệnh này.
- Số lượng bệnh nhân cao tuổi chiếm khoảng 2/3 số người mắc bệnh, nhưng cho tới nay số người trẻ mắc bệnh đái tháo đường ngày càng báo động và tăng cao.
- Mỗi 6 giây lại có một bệnh nhân bị đái tháo đường tử vong.
- Năm 2017, số bệnh nhân tử vong do tiểu đường là 4 triệu người, và chi phí điều trị bệnh tiểu đường toàn cầu là 727 tỷ đô la, trở thành một gánh nặng lớn cho y tế toàn cầu.
Các loại tiểu đường thường gặp
Tiểu đường Tuýp 1
Đây là loại bệnh mà các tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy, dẫn đến việc giảm hoặc không sản xuất được insulin. Lượng insulin trong máu thấp gây ra sự không kiểm soát lượng đường huyết, rất nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân.
Tiểu đường tuýp 1 thường xuất hiện ở trẻ em và người trẻ tuổi (thường dưới 20 tuổi), chiếm khoảng 5-10% tổng số trường hợp tiểu đường. Triệu chứng của loại bệnh này thường xuất hiện đột ngột và tiến triển nhanh, nên dễ dàng phát hiện.
Tiểu đường Tuýp 2
Ở loại bệnh này, tuyến tụy vẫn sản xuất insulin nhưng cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả do tình trạng kháng insulin.
Tiểu đường tuýp 2 là loại phổ biến nhất, thường gặp ở người trên 40 tuổi và có xu hướng trẻ hóa. Bệnh không có những triệu chứng rõ ràng nên khó có thể phát hiện bệnh.
Ngoài hai loại chính này, còn có tiểu đường thai kỳ, xảy ra ở phụ nữ mang thai. Nếu tuyến tụy không sản xuất đủ insulin để đối phó, sẽ dẫn đến tích tụ đường trong máu trong suốt thai kỳ. Tiểu đường thai kỳ thường hết sau khi sinh, nhưng cần được điều trị trong suốt thai kỳ để tránh ảnh hưởng xấu đến mẹ và bé.
Tiền tiểu đường
Tiền tiểu đường là giai đoạn chuyển tiếp giữa trạng thái bình thường và tiểu đường tuýp 2. Đây là khi mức đường huyết tăng cao nhưng chưa đủ để chẩn đoán là tiểu đường. Khoảng 5-10% người tiền tiểu đường sẽ tiến triển thành tiểu đường hàng năm, và tổng cộng 70% sẽ trở thành tiểu đường thực sự nếu không được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân bao gồm các yếu tố như di truyền, kháng insulin, tăng nhu cầu insulin, ngộ độc glucose, ngộ độc lipid, rối loạn tiết incretin, tích lũy amylin, và giảm khối lượng tế bào beta tuyến tụy. Cần phải có những biện pháp để biết bệnh tiểu đường càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng và tỉ lệ mắc bệnh ngày càng cao.
Dấu hiệu của bệnh tiểu đường
Triệu chứng của tiểu đường tuýp 1
- Cảm giác đói và mệt: Khi cơ thể không chuyển hoá được lượng glucose trong thức ăn sẽ làm người bệnh luôn cảm giác đói và mệt mỏi.
- Khát nước và đi tiểu nhiều: Lượng glucose cao trong máu làm tăng tần suất đi tiểu, gây mất nước và khát nước nhiều hơn.
- Khô miệng và ngứa da: Do mất nước khi đi tiểu nhiều, bệnh nhân có thể bị khô miệng và da khô, gây ngứa.
- Sụt cân: Mặc dù ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân do mất nước và ly giải mô mỡ, mô cơ.
Triệu chứng của tiểu đường tuýp 2
- Nhiễm trùng nấm men: Cả nam và nữ đều có thể gặp tình trạng này, do nấm men phát triển mạnh khi có nhiều glucose.
- Vết thương chậm lành: khả năng phục hồi của viết thương chậm do lượng đường huyết cao ảnh hưởng tới lượng lưu thông của máu.
- Đau hoặc tê ở chân: Là biểu hiện của tổn thương thần kinh do tiểu đường.
Triệu chứng của tiểu đường thai kỳ
Phụ nữ mang thai có thể khát nước nhiều hơn và đi tiểu thường xuyên hơn. Bệnh thường được phát hiện qua nghiệm pháp dung nạp glucose lúc thai 24-28 tuần tuổi.
Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường
Glucose là nguồn năng lượng chính cho cơ thể, có trong thực phẩm hàng ngày và được dự trữ trong gan dưới dạng glycogen. Khi cơ thể cần năng lượng, gan sẽ chuyển đổi glycogen thành glucose để duy trì mức đường huyết.
Nguyên nhân gây tiểu dường tuýp 1
Do các tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy bởi hệ miễn dịch, dẫn đến thiếu insulin. Những yếu tố có thể dẫn tới bao gồm về mặt di truyền và ảnh hưởng của những loại virut xâm nhập.
Nguyên nhân gây tiểu dường tuýp 2
Nguyên nhân chưa được làm rõ, nhưng có liên quan đến di truyền, thừa cân, béo phì, và các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, ít hoạt động thể lực, rối loạn dung nạp đường, và hội chứng buồng trứng đa nang.
Có thể bạn quan tâm
- Dinh Dưỡng Khi Mang Thai: Vai Trò Quan Trọng của Canxi và Nguy Cơ Loãng Xương
- Loãng Xương – Tìm Hiểu Nguyên Nhân, Biện Pháp và Chuẩn Đoán
- Triệu Chứng Thoái Hoá Khớp Gối – Nguyên nhân, Phòng ngừa
- Những Chấn Thương Bóng Rổ Thường Gặp và Biện Pháp Phòng Ngừa Hiệu Quả