Hiện tại, Việt Nam có khoảng 5 triệu người mắc bệnh suy thận, với 8.000 ca mới mỗi năm và khoảng 26.000 người đang phải đối mặt với suy thận mạn tính giai đoạn cuối và cần lọc máu thường xuyên. Cùng Y Dược Vĩnh Phúc tìm hiểu nhé.
Bệnh thận là gì?
Bệnh thận là thuật ngữ chỉ các trường hợp thận bị tổn thương, hư hỏng và không thể lọc máu hiệu quả. Nếu bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối, các phương pháp điều trị bao gồm ghép thận, lọc máu hoặc lọc màng bụng là cần thiết.
Trong đó, bệnh thận mạn (hay bệnh thận mãn tính – CKD) là tình trạng suy giảm chức năng thận kéo dài. Bệnh thận giai đoạn đầu (giai đoạn 1-3) thường không có triệu chứng rõ ràng và chỉ được phát hiện qua xét nghiệm máu và nước tiểu. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn 4 trở lên, các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, viêm miệng, rối loạn vị giác, tiểu đêm, mệt mỏi, ngứa.
Vai trò của thận
Thận đóng vai trò như một nhà máy lọc và xử lý chất độc trong cơ thể. Nhiệm vụ chính của thận là sản xuất và bài tiết nước tiểu, giúp loại bỏ các chất độc hại tồn dư trong máu và duy trì sự cân bằng về nồng độ của các chất trong hệ tuần hoàn. Thận còn tham gia vào một số hoạt động nội tiết, có ảnh hưởng đến quá trình tạo máu, sức khỏe xương và ổn định huyết áp.
- Bài tiết nước tiểu: Trong quá trình lọc máu và loại bỏ chất thải, nước tiểu sẽ được hình thành tại các đơn vị chức năng của thận. Máu sẽ được lọc qua cầu thận, sau đó tạo thành nước tiểu.
- Điều hòa thể tích máu: Qua quá trình sản xuất nước tiểu, thận kiểm soát khối lượng dịch ngoại bào trong cơ thể. Điều này giải thích tại sao khi chúng ta uống nhiều nước, lượng nước tiểu sẽ tăng lên, và ngược lại khi cơ thể thiếu nước.
- Nội tiết: Thận cũng có vai trò nội tiết khi tiết ra hormon renin, đóng vai trò trong việc điều hòa huyết áp, và hormon erythropoietin, thúc đẩy tủy xương sản xuất hồng cầu.
Dấu hiệu nhận biết bệnh thận
- Mệt mỏi, suy nhược cơ thể: Khi chức năng thận suy giảm, độc tố và tạp chất có thể tích tụ trong máu, gây cảm giác mệt mỏi, suy nhược cơ thể và khó tập trung. Thiếu máu, một biến chứng khác của bệnh thận, cũng góp phần làm tăng cảm giác mệt mỏi.
- Thường xuyên có nhu cầu đi tiểu: Nếu bạn thường xuyên cảm thấy mắc tiểu, đặc biệt vào ban đêm, đó có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Điều này cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới.
- Tiểu máu: Khi thận gặp vấn đề, chúng không thể giữ được các tế bào máu trong quá trình lọc, khiến máu có thể rò rỉ vào nước tiểu. Tiểu máu không chỉ là dấu hiệu của bệnh thận mà còn có thể cảnh báo về khối u, sỏi thận hoặc nhiễm trùng.
- Nước tiểu có nhiều bọt: Khi đi tiểu, nếu bạn thấy có nhiều bọt nước tiểu như khi đánh trứng, đó có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Bạn cần chú ý và theo dõi tình trạng này.
- Sưng mắt cá chân, bàn chân: Sự suy giảm chức năng thận có thể dẫn đến tích tụ natri trong cơ thể, gây sưng ở bàn chân và mắt cá chân. Hiện tượng này cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tim, bệnh gan hoặc các vấn đề mãn tính về tĩnh mạch.
- Mất khẩu vị, chán ăn: Mất khẩu vị, chán ăn là dấu hiệu chung dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh khác. Tình trạng này thường xảy ra khi thận bị suy giảm chức năng, dẫn đến tích tụ độc tố trong cơ thể.
- Chuột rút cơ bắp: Khi chức năng thận bị suy giảm, quá trình lọc máu không bình thường có thể gây mất cân bằng điện giải, dẫn đến tình trạng hạ calxi hoặc mất kiểm soát phốt pho, gây ra chuột rút cơ.
Chẩn đoán và điều trị bệnh thận
Để chẩn đoán chính xác bệnh thận, bạn cần đến các cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm lâm sàng. Các bác sĩ sẽ đánh giá chức năng thận, chẩn đoán bệnh và đưa ra lộ trình điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân dựa trên tình trạng cụ thể. Nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thận có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.